Kháng sinh trị mụn dường như không còn là viên đạn bạc trong điều trị mụn trứng cá như trước kia, chúng đang mất dần hiệu quả do sự kháng thuốc.
Căn bệnh mạn tính nào ảnh hưởng đến 80% dân số, bao gồm chủ yếu những người từ 15 đến 17 tuổi, nhưng lại không rõ nguyên do và cách điều trị? Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đó là một căn bệnh ảnh hưởng nhiều người đến nỗi các bác sĩ phải tranh đấu liên tục để tìm được phương cách điều trị hoặc ít nhất có một công trình nghiên cứu được công bố về bệnh đó. Nhưng bấy nhiêu vẫn còn chưa đủ để mô tả căn bệnh này. Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng sự khủng khiếp của căn bệnh này đòi hỏi cần có thêm nhiều nghiên cứu về nó nữa. Một báo cáo khác cũng cho rằng: căn bệnh này không có phương thức điều trị lý tưởng. Vậy căn bệnh khủng khiếp đó là gì? Có thể nhiều người sẽ không ngờ. Đó chính là mụn trứng cá.
“Bệnh mạn tính” có lẽ là một thuật ngữ lạ khi được dùng cho mụn trứng cá vì đây không phải là một bệnh nặng và hầu hết chỉ ảnh hưởng những người ở tuổi dậy thì. Nhưng ở những người mà mụn trứng cá diễn tiến nặng và kéo dài, bệnh có thể kéo dài hàng chục năm và khó điều trị. Mụn trứng cá bùng phát khi vi khuẩn Propionibacterium acnes (P.acnes) hình thành trong những lỗ chân lông bị bít kín bởi dầu và các tế bào da chết. Một số người sử dụng những loại kem bôi như benzoyl peroxide là đã đủ để giải quyết vấn đề. Nhưng ở một số người, mụn trứng cá viêm nặng và bác sĩ phải chỉ định kháng sinh trị mụn, đầu tiên là dạng bôi, sau đó là dạng uống để diệt vi khuẩn. Nhưng ngày nay dường như kháng sinh trị mụn đã không còn là viên đạn bạc trong điều trị mụn trứng cá nữa, vì sự kháng kháng sinh đang tăng lên.
Phác độ kháng sinh trị mụn trứng cá thường dùng liều thấp và kéo dài, và điều này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự kháng thuốc. Erythromycin, tetracycline, doxycycline và minocycline là những kháng sinh trị mụn trứng cá phổ biến nhất trong một thời gian dài. Và cũng vì đã được sử dụng lâu như vậy nên kháng sinh trị mụn mang nguy cơ kháng thuốc rất lớn. P.acnes đã kháng với erythromycin nên thuốc này ít được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nữa. Tetracycline và doxycycline hiệu quả hơn nhưng lại đem đến một số tác dụng phụ. Minocycline có lẽ là ít nguy cơ kháng thuốc nhất nhưng lại nhiều tác dụng phụ nhất nên đây được xem như là sự lựa chọn cuối cùng.
Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm tòi để đem lại phương pháp điều trị mới cho mụn trứng cá. Vào năm 2002, một nhà khoa học đã phát biểu “Các chuyên gia y tế nên xem sự kháng thuốc của P.acnes là một sự thất bại” và không may là một thập kỷ sau, chúng ta vẫn chưa tìm được cách hóa giải.
Nguồn bài viết:
· Dutil, Maha. “Benzoyl Peroxide: Enhancing Antibiotic Efficacy in Acne Management.” Skin Therapy Letter, 2010. (Oct. 13, 2014)
· National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases. “What is Acne?” November 2010. (Oct. 13, 2014)
· Swanson, Jil K. “Antibiotic Resistance of Propionibacterium Acnes in Acne Vulgaris.” Dermatology Nursing, 2003. (Oct. 13, 2014)
· WebMD. “Acne – Medications.” Jan. 23, 2013. (Oct. 13, 2014)
· Williams, Hywel C., Robert P. Dellavalle and Sarah Garner. “Acne vulgaris.” The Lancet, January 2012. (Oct. 13, 2014)
Your comments