Stress và mụn trứng cá – Hầu hết chúng ta đều sống một cuộc sống nhiều áp lực hơn chúng ta dự định ban đầu. Yêu cầu từ công việc và gia đình có thể góp phần tạo thêm áp lực cho cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan giữa stress và bệnh tật. Cách chúng ta giải tỏa áp lực như hút thuốc hoặc ăn quá nhiều đều có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ thấy mụn trứng cá trở thành một nguyên nhân nữa gây nên stress. Nhưng chiều ngược lại thì sao: Liệu stress và mụn trứng cá có liên quan đến nhau?.
Stress chính xác là gì?
Chúng ta dùng từ “stress” để chỉ rất nhiều rối loạn cảm xúc được bây ra bởi những sự kiện hàng ngày và phản ứng của chúng ta đối với những sự kiện đó. Thông thường, khi nói đến stress, chúng ta muốn nói đến áp lực về tâm lý và cảm xúc.
Như thế nào gọi là stress? Điều này khác nhau với từng người. Trong khi lưu thông trên đường, có người cảm thấy thoải mái khi ngồi trong xe vừa lái xe vừa nghe nhạc, nhưng lại có người thì trở nên bực tức vì kẹt xe.
Sự ra đi của một người thân, ly dị, mất việc, khó khăn về tài chính là những nguyên nhân chủ yếu của stress. Ngay cả những sự kiện mà chúng ta nghĩ là đem lại niềm vui cũng có thể gây ra stress như sự ra đời của một đứa bé hoặc kết hôn.
Stress ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Khi stress, tim bạn sẽ đập nhanh hơn, cơ co lại và bạn bắt đầu thở nhanh hơn. Điều gì đang diễn ra trong cơ thể bạn? Cơ thể bạn đang giải phóng những hormone stress như cortisol, epinephrine và adrenaline.
Stress thoáng qua
Stress có những ảnh hưởng thoáng qua và cả kéo dài trên cơ thể. Khi stress thoáng qua, thở nhanh có thể làm lên cơn hen đối với những người có tiền căn hen phế quản. Nhịp tim nhanh có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim ở một số người. Bạn cũng có thể gặp phải một số phản ứng ở dạ dày hoặc tiêu chảy.
Stress kéo dài
Stress kéo dài có thể gây ra những tổn thương trên cơ thể. Hệ tim mạch, hệ nội tiết và hệ tiêu hóa có thể bị tổn thương nếu tình trạng stress lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Một số bệnh như bệnh Crohn, bệnh đa xơ cứng có thể diễn tiến nặng hơn khi stress. Còn mụn trứng cá có diễn tiến nặng hơn hay không thì tùy thuộc từng người.
Stress cũng có một vài ảnh hưởng trên da. Ví dụ, một số người nổi mày đay khi stress. Stress còn có thể làm khởi phát một số bệnh da liễu như vảy nến. Còn vấn đề stress có làm bùng phát mụn trứng cá hay không thì các chuyên gia cho biết: không có thông tin khách quan về vấn đề này.
Những thói quen xấu khi stress: có thể làm bùng phát mụn trứng cá.
Khi stress, những thói quen xấu dùng để đối phó bao gồm hút thuốc lá, uống rượu và ăn nhiều, đặc biệt là ăn nhiều bánh kẹo góp phần làm bùng phát mụn trứng cá. Tiêu thụ nhiều đường làm cơ thể tăng tiết insulin, điều này làm tăng sản xuất bã nhờn, góp phần làm mụn trứng cá nặng hơn.
Chúng ta có thể làm gì?
Nếu muốn kiểm tra liệu stress và mụn trứng cá có liên quan đến nhau, có rất nhiều biện pháp bạn có thể thử. Mụn trứng cá được tạo ra do các tế bào da chết, dầu trên da và một số vi khuẩn làm bít lỗ chân lông. Cách điều trị hiệu quả nhất là diệt vi khuẩn và tẩy tế bào chết trên da.
Có một số thuốc diệt vi khuẩn tại chỗ có thể tìm thấy ở các quầy thuốc không kê toa, thuốc kê toa sẽ được chỉ đinh nếu da của bạn không đáp ứng với những thuốc không kê toa. Retin A-một loại thuốc kê toa sẽ tẩy tế bào chết trên da, những loại thuốc không kê toa cũng có thể tẩy tế bào chết gồm có salicylic acid và glycolic acid. Bạn cũng có thể tẩy tế bào chết trên da bằng cách dùng một chiếc khăn mặt chùi rửa nhẹ nhàng mỗi khi rửa mặt.
Đương nhiên, mụn trứng cá không thể biến mất chỉ sau một đêm, nên nếu bạn bị stress vì nó, hãy thử những phương pháp thư giãn truyền thống. Những phương pháp đó có thể giúp bạn thoải mải hơn kể cả sau khi da mặt bạn đã sạch. Ngồi thiền có những lợi ích tích cực cho sức khỏe, nhưng nếu bạn không có nhiều thời gian thì hãy thử dành 5 phút mỗi ngày để hít thở. Tập thể dục và các hoạt động thể thao yêu thích sẽ giúp xua tan stress.
Nguồn bài viết:
- Burns, M., Nawacki, E., Kwasny, M., Pelletier, D., & Mohr, D. (2014, January). Do positive or negative stressful events predict the development of new brain lesions in people with multiple sclerosis? Psychological Medicine, 44(2), 349-359.
- Do, J. E., Cho, S. M., In, S. I., Lim, K. Y., Lee, S., & Lee, E. S. (2009, May). Psychosocial Aspects of Acne Vulgaris: A Community-based Study with Korean Adolescents. Annals of Dermatology, 21(2), 125-129.
- Emotional factors. (n.d.).
- Jones-Caballero, M., Chren, M. M., Soler, B., Pedrosa, E., & Penas, P. F. (2007, February). The quality of Life in Mild to Moderate Acne: Relationship to Clinical Severity and Factors Influencing Change with Treatment. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 21(2), 219-226.
- Su, P., Chen Wee Aw, D., Lee, S.H., & Han Sim Toh, M.P. (2015, March). Beliefs, Perceptions and Psychosocial Impact of Acne amongst Singaporean Students in Tertiary Institutions. Journal of the German Society of Dermatology, 13(3), 227-233.
- The Holmes-Rahe life stress inventory. (n.d.).
Your comments