Mụn trứng cá xước là gì ?
Mụn trứng cá xước hay mụn trứng cá trầy xước có tên tiếng anh là Acne Excorie. Trên thực tế thì nó không phải là một loại mụn trứng cá mà là một chứng bệnh tâm lý. Những người mắc bệnh này có xu hướng cào xước hoặc cấu nhổ mụn bằng tay làm trầy xước tại vị trí da nổi mụn. Các bệnh nhân cào gãi và bóc gỡ các tổn thương (như cồi mụn, sẩn) có thể hiện diện với sự trầy xước thái quá, các vết lở có thể trở nên sâu xuống và tạo sẹo. Tổn thương thường xuất hiện ở vùng trán, vùng má phía trước tai, cằm.
Hình ảnh về mụn trứng cá xước trên da
Hầu hết mọi người rất khó chịu khi thấy trên da mình có những nốt mụn và đa số đều nỗ lực loại bỏ nó bằng nhiều phương pháp điều trị mụn khác nhau. Một số người lại có thói quen sờ vào mụn liên tục và vô tình cào xước các nốt mụn trên mặt. Hành động này làm lây lan vi khuẩn sang các lỗ chân lông lân cận gây nhiều mụn mủ hơn, mụn trở nên bùng phát và khó điều trị. Tuy nhiên điều tồi tệ nhất nó mang lại là gây ra nhiều sẹo và sẹo đôi khi rất tệ.
Có những người tự cào cấu, nặn mụn một cách quá mức khiến da chi chít những vết gãi, vết loét, thâm và sẹo mụn.
Hầu hết những người bị chứng bệnh này đều biết những vết trên da là do họ tự nặn và cào cấu, nhưng họ không phải lúc nào cũng thừa nhận chúng.
Những ai có khả năng mắc chứng “mụn trứng cá xước”
Bất cứ ai đang bị mụn trứng cá đều có khả năng mắc chứng bệnh này. Nó phổ biến ở nữ giới hơn là ở nam giới, đặc biệt mụn trứng cá khởi phát muộn lại gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Hành động bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày trước gương có thể là dấu hiệu của sự căng thẳng hoặc trầm cảm dẫn tới hành vi này. Bác sĩ tâm thần có thể chẩn đoán phân biệt “Mụn trứng cá xước” với chứng ám ảnh cơ thể.
Mụn trứng cá xước xuất hiện ở mặt đôi khi nó chỉ là một thói quen xấu khó thay đổi. Tình trạng mụn cũng có thể là không nặng nề gì. Tuy vậy mụn trứng cá xước thường đem lại buồn phiền và xấu hổ.
Cách điều trị “mụn trứng cá xước”
Điều trị bệnh này phụ thuộc vào da lúc đó có mụn hay không có mụn.
– Nếu còn mụn hoặc có nhiều nhân mụn bạn cần phải đến bác sĩ để điều trị mụn theo mức độ nặng nhẹ của mình. Khi đến gặp Bác sĩ đừng ngại ngùng hãy chia sẻ những vấn đề mà làn da bạn đã trải qua bao gồm cả hành động tự nặn và cào cấu mụn của bạn.
– Nếu da không còn mụn hãy dũng cảm từ bỏ thói quen xấu này. Hãy suy nghĩ tích cực rằng nếu không chạm tay lên mặt da mặt bạn sẽ đẹp hơn. Khi không thể tự kiểm soát hành vi cào hoặc nặn mụn bạn cần đi khám để được điều trị thích hợp.
– Trong trường hợp phát hiện người thân hay bạn bè không thể thoát khỏi chứng bệnh này hãy động viên họ đi khám. Đôi khi để thoát khỏi chứng bệnh này họ có thể cần đến sự thăm khám và điều trị của bác sĩ tâm thần.
Dr. Bình Huỳnh
Your comments